Do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế - xã hội và phương thức sản xuất, người Việt Nam cũng như cư dân một số quốc gia lân cận, nhất là các quốc gia có sự tương đồng về truyền thống văn hóa, đều coi "an cư" là điều kiện quan trọng hàng đầu để "lạc nghiệp".
Để đảm bảo có thể "an cư lạc nghiệp" tại nơi ở mới, nhiều người cho rằng giường tủ, bàn ghế, đồ thờ tự, tiền bạc và những vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày phải đầy đủ trước khi làm lễ nhập trạch.
Ở chiều ngược lại, cư dân nhiều địa phương do đề cao mục đích tạ ơn thần thánh đã "bảo bình an" trong quá trình làm nhà mới và cầu mong "đổi vận" để có cuộc sống no ấm, thịnh vượng thì chú trọng hơn về phần lễ "quy hỏa nhập trạch", không nặng về vấn đề đồ dùng.
Thực tế, những quan điểm nêu trên đều "có lý" nhưng không đầy đủ. Đến khoảng đầu thế kỷ thứ 10, tập quán nhập trạch đã được "phong thủy hóa" thành một hệ thống nguyên tắc tương đối ổn định.
Phong thủy cho rằng, nhà ở có lục sự: Sơn - hướng, bếp núc, cổng cửa, vệ sinh, phân phòng, hương hỏa; nhà mới trước khi nhập trạch cũng phải đủ đại biểu của 6 nhóm đồ vật: Bếp núc, xoong nồi, bát đũa; gạo, muối, đèn nến, dầu; sổ sách, bút mực, đồ giữ lửa; đất, nước, tiền bạc; chổi, lau nhà, hót rác, dao rựa, cuốc thuổng; lục súc.
Trong 6 nhóm nêu trên, tối thiểu phải chuyển đến nhà mới: Bếp, thùng gạo (đựng đầy 80% thể tích), đồ giữ lửa (bật lửa, diêm), bát đũa, chổi quét (hai chiếc) và lu (bình, chum) nước nhằm phục vụ lễ nhập trạch. Bếp (táo) được coi là vị thần định phúc, chủ về nhân sự và gia sự (ngôi thần linh). Gạo là đại biểu của thực dưỡng, thuộc thổ, để nuôi sống và phương trưởng. Lửa (hỏa) chủ về sự nghiệp, sự hưng vượng. Bát đũa thuộc kim, chủ về phương tiện, sự phù trợ. Chổi quét thuộc mộc, chủ về sự thay đổi và phát triển, tống cựu khai tân. Nước (thủy) chủ về tài lộc.
Ở nhiều địa phương, khi làm lễ nhập trạch người ta còn mang theo một nắm đất, ít muối, dầu thắp, hai quả trứng gà, dao rựa, cuốc thuổng, hạt giống..., những thứ thiết yếu nhất cho một sự khởi đầu mới. Trong đó, nắm đất đem rải đều khắp trong và ngoài nhà mới để "yểm trấn thủy thổ bất phù" - dân gian gọi là "ngã nước", phong thủy gọi là "dụng thổ chế thủy".
Theo "vai vị", bếp được chuyển vào nhà trước tiên, tiếp theo là gạo, muối, nước, lửa, chổi quét, bát đũa..., lần lượt đặt trước cửa bếp rồi mới chuyển về vị trí của từng loại.
Quá trình chuẩn bị (và suốt buổi lễ) phải kiêng nóng giận, nói năng bừa bãi hoặc nói lời "xui xẻo". Chủ nhà thường là người trực tiếp chuyển “táo” - bếp lò và khi bước vào nhà phải bước chân trái. (Nếu không có điều kiện tự tay đặt bếp thì phải thực hiện nghi thức nhóm lửa).
Dùng chổi mới quét dọn sạch sẽ trong nhà ngoài hiên để “tống cựu khai tân” khu trừ tà khí, mở ra vận hội mới (không phải là đốt bột trừ tà, xông khói khắp nhà). Sau đó, lần lượt chuyển ban thờ, bài vị tổ tiên, bàn ghế, giường chiếu và những vật dụng khác...
Mục đích chính của lễ nhập trạch là tế cáo thần linh tại nơi ở mới về sự hiện diện của gia chủ. Vì vậy, “lễ nhập trạch” là quan trọng nhất và không thể thiếu trong nghi thức nhập trạch, có thể hiểu nôm na như việc đăng ký thường trú, ra mắt cán bộ và nhân dân nơi sở tại.
Lễ vật khi nhập trạch thường bao gồm: Hương đăng, phẩm quả, rượu, nước, vàng mã, giấy ngũ sắc, cơm canh, thịt cá… Nếu điều kiện không cho phép, gia chủ chỉ cần hương đèn, vàng mã và nước.
Có thể kết hợp lễ nhập trạch với lễ an hương, đặt ban thờ. Nhưng nếu chỉ "nhập trạch lấy ngày" thì đặt một chiếc bàn hoặc trải chiếu (bạt) để bày biện đồ lễ; khi nhập trạch chính thức mới làm lễ an hương.
Trong lễ nhập trạch, tuy đã đốt đèn (nến), thắp hương (nghĩa là đã nổi lửa) nhưng một trong những nghi thức nên thực hiện là lễ “quy hỏa” hoặc “phần sài quy hỏa nhập trạch”. Nghi thức này rất đơn giản, chủ nhà vừa tâm niệm những điều mình mong muốn, vừa nhóm bếp đun nước uống hoặc thổi cơm mang tính tượng trưng, cầu Táo quân phù hộ cho gia đình.
Ý nghĩa của "quy hỏa" là khẳng định vị thần định phúc trong gia đình chính thức quản hạt nhà mới, đồng thời nhóm lửa cũng thể hiện khát vọng no ấm, sự hưng vượng của gia chủ.
Ở một số địa phương, sau lễ “quy hỏa”, người ta còn làm lễ “khao thỉnh thổ chủ”. Chủ nhà chuẩn bị một mâm cỗ, trong đó thường có bánh kẹo hoặc đường, mật mía, vàng mã… để khao thổ địa và Táo quân trước bữa cơm tối đầu tiên tại nhà mới.
Quan niệm dân gian cho rằng, thổ địa là một vị thần thấp và nhỏ, vì vậy phải đặt một chiếc bàn thấp ngay trước cửa bếp lò để làm lễ. Những gia đình thờ thần tài thì có thể bày lễ ngay cạnh khám thờ này, khao thỉnh thổ địa, táo quân và thần tài để cầu bình an, phát tài phát lộc.



NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317