DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE

Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

Đi chùa đầu năm cần sắm lễ và hành lễ thế nào cho đúng?



Đi lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp truyền thống không thể thiếu của người Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sắm lễ cũng như những nguyên tắc cơ bản khi đến cửa Phật ngày đầu năm.

Theo chuyên gia phong thủy Mai Văn Sinh, việc đến chùa đầu năm là truyền thống cao đẹp của dân tộc. Mỗi cá nhân khi đi chùa đầu năm đều chú ý cách hành lễ, sắm lễ và cách ăn mặc sao cho phù hợp chốn cửa phật nhằm thể hiện sự tôn kính, tấm lòng chân thành trước cửa Phật.
Việc tuân thủ trong sắm lễ, cũng như trong ăn mặc không chỉ được thực hiện khi đi chùa đầu năm mà bất kỳ dịp nào đến chùa mỗi người cũng phải lưu ý. Bởi cửa phật là chốn linh thiêng, chúng ta không được ăn mặc quá phản cảm, nói năng bỗ bã. Và tuyệt đối không nên đem đồ mặn đến chùa.
Sau đây là một số gợi ý cho việc sắm lễ và các bước hành lễ khi đến chùa đầu năm mà mọi người có thể tham khảo.
Cách sắm lễ

Chuyên gia phong thủy, Mai Văn Sinh cho hay, thực ra việc sắm lễ không có quy định nào chung cho tất cả mọi người. Tùy theo điều kiện cũng như hoàn cảnh của mỗi gia đình mà chúng ta có cách sắm lễ phù hợp. Tuy nhiên khi đến chùa, người hành lễ không nên mang theo những đồ mặn như thịt lợn, thịt trâu, thịt bò, giò, chả… Theo truyền thống chúng ta chỉ nên sắm các lễ chay: hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè…
   Đi chùa đầu năm cần sắm lễ và hành lễ thế nào cho đúng? - Ảnh 1
Theo truyền thống, chúng ta chỉ nên sắm các lễ chay: hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè…
Lưu ý: Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện (chính diện), tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Lễ mặn (nhưng thường chỉ đơn giản: gà, giò, chả, rượu, trầu cau…) cũng thường được đặt tại ban thờ hay điện thờ (nếu xây riêng) của Đức Ông - Vị thần cai quản toàn bộ công việc của một ngôi chùa.
- Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì thí chủ đặt ở bàn thờ Thần Linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.
- Tiền giấy âm phủ hay hàng mã kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức.
- Hoa tươi lễ Phật là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dùng các loại hoa tạp, hoa dại
Trang phục
Khi vào chùa cần mặc quần áo dài, kín cổ, đi khẽ. Tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, áo may ô, quần soóc, váy ngắn, màu sắc trang nhã… Đối với Phật tử thì phải mặc áo lễ khi đến điện thờ Phật trong chùa.
Đối với nam có thể mặc comple, quần âu, hoặc mặc áo nghiêm túc, không lố lăng. Còn nữ có thể mặc áo dài, hoặc mặc áo quần bình thường, gọn gàng, đảm bảo sự kín đáo, truyền thống.
Cầu nguyện
Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho con Phật chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi chúng ta làm lễ cầu tới cửa Phật nên xin được Phật che chở, bảo vệ. Vào đình, đền bạn có thể cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm.
Nguyên tắc cầu nguyện chúng ta nên cầu cho chúng sinh trước, sau đó cầu cho gia đình, dòng họ và cuối cùng chúng ta cầu cho bản thân mình. Như thế vừa thể hiện được tâm đức cũng như tấm lòng thành kính của bản thân trước phật.
   Đi chùa đầu năm cần sắm lễ và hành lễ thế nào cho đúng? - Ảnh 2
Nguyên tắc cầu nguyện chúng ta nên cầu cho chúng sinh trước, sau đó cầu cho gia đình, dòng họ và cuối cùng chúng ta cầu cho bản thân mình.
Nguyên tắc ra, vào
Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này. Sau đó, du khách có thể gặp sư trụ trì, sở dĩ là vì Chùa do sư trụ trì cai quản, có sư, tăng ni, chùa mới được giữ gìn và Đạo Phật mới được truyền lưu nên khi vào chùa phải theo lệ.
Đến Chùa làm lễ cần theo thứ tự như sau:
- Đặt lễ vật: Thắp hương và làm lễ ban thờ Đức Ông trước.
- Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang.
- Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái Đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.
- Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu)
- Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tuỳ tâm công đức.
Những điều cấm kỵ cần lưu ý khi vào chùa
-Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Phật đường.
-Không tự ý sử dụng hoặc lấy những đồ đạc bất kì của chùa về nhà làm của riêng. Vào chùa nên từ cửa bên, không đi từ cửa chính và không dẫm lên bậu cửa.
-Vào Phật đường, tam bảo không nên đi giày dép, nhai trầu, hút thuốc.
-Nên tắt điện thoại hoặc để rung trước khi vào chùa, đặc biệt là chuẩn bị thắp nhang, thờ cúng.
-Không nên thắp hương trong chùa, bởi vì bên ngoài đã có lư hương.
-Không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong chùa, khi đứng khấn vái, không nên đứng thẳng ban thờ mà nên đứng chéo sang một bên.
-Vào đến chùa thì trước tiên không phải là khấn vái ban chính trong chùa mà là vái hai ông gác bên ngoài cổng (1 ông cầm ngọc, 1 ông cầm đao, ở một số chùa có), điều này có ý nghĩa là xin phép để được vào chùa.
   Đi chùa đầu năm cần sắm lễ và hành lễ thế nào cho đúng? - Ảnh 3
Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình, che chở cho con Phật chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc.
-Không nên lễ ở chùa bằng lễ mặn, chỉ cần hương hoa, quả hay kẹo bánh là được.
Dưới đây là vài bài khấn truyền thống tại chùa:
Bạn lưu ý, trong chùa thường ghi tên của vị thần, phật, nên cúng đọc luôn tên dưới biển.
1. Văn khấn Đức Ông - Đức Chúa Ông (Tôn giả Tu-đạt)
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Kính lạy Đức Ông Tu Đạt Tôn Giả, Thập Bát Long Thần, Già Lam Chân Tể.
Hôm nay là ngày ..... tháng ..... năm .....
Tín chủ con là .................................................................................................
Ngụ tại ............................................................................................................
Cùng cả gia đình thân tới cửa chùa ................................... trước điện Đức Ông, thành tâm kính lễ, (nếu có đang lễ vật thì khấn thêm “hiến dâng phẩm vật, kim ngân tịnh tài”), chúng con tâu lên Ngài Tu Đạt Tôn Giả từ cảnh trời cao soi xét.
Chúng con kính tâu lên Ngài Già Lam Chân Tể cai quản trong nội tự cùng các Thánh Chúng trong cảnh chùa đây.
Thiết nghĩ chúng con sinh nơi trần tục, nhiều sự lỗi lầm, hôm nay tỏ lòng thành kính, cúi xin Đức Ông thể đức hiếu sinh, rủ lòng tế độ che chở cho chúng con, ba tháng hè chín tháng đông, tiêu trừ bệnh tật tai ương, vui hưởng lộc tài may mắn, cầu gì cũng được, nguyện gì cũng thành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy)
2. Văn khấn Đức Thánh Hiền (Đức A-nan-đà Tôn Giả)
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Con cúi lạy Đức Thánh Hiền, Đại Thánh Khải Giáo A Nan Đà Tôn Giả.
Hôm nay là ngày ..... tháng ..... năm .....
Tín chủ con là .................................................................................................
Ngụ tại ............................................................................................................
Chúng con thành tâm tiến dâng lễ bạc, oản quả, hương hoa.
Cầu mong Tam Bảo chứng minh, Đức Thánh Hiền chứng giám, rủ lòng thương xót phù hộ cho con được mọi sự tốt lành, sức khỏe dồi dào, an ninhkhang thái, gia đạo hưng long, thịnh vượng.
Cúi mong Ngài soi xét tâm thành, phù hộ cho gia đình chúng con được sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy)
3. Văn khấn cầu tài, cầu lộc, cầu bình an ở ban Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo)
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)
Đệ tử con thành tâm kính lạy Mười phương chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, Hộ pháp Thiện thần, Thiên Long Bát Bộ.
Hôm nay là ngày ..... tháng ..... năm .....
Tín chủ con là .................................................................................................
Ngụ tại ............................................................................................................
Thành tâm dâng lễ bạc cùng sớ trạng (nếu viết sớ đặt trên mâm lễ vật) lên cửa Mười phương Thường trụ Tam Bảo.
Chúng con xin dốc lòng kính lễ:
- Đức Phật A Di Đà giáo chủ cõi Cực Lạc Tây phương.
- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo chủ cõi Sa Bà.
- Đức Phật Dược Sư Lưu Ly giáo chủ cõi Đông phương.
- Đức Thiên thủ, Thiên nhãn, Ngũ bách danh tầm thanh cứu khổ cứu nạn, linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.
- Kính lạy Đức Hộ Pháp thiện thần Chư Thiên Bồ Tát.
Kính xin chư vị rủ lòng từ bi, phù hộ độ trì cho con, nguyện được .................................... (công danh, tài lộc, giải hạn, bình an…).
Nguyện xin chư vị, chấp kỳ lễ bạc, tâm thành (sớ trạng) chứng minh, chứng giám cho con được tai quan nạn khỏi, điều lành đem đến, điều dữ tiêu tan, phát lộc phát tài, gia trung mạnh khoẻ, trên dưới thuận hoà an khang thịnh vượng.
Chúng con người phàm trần tục lầm lỗi còn nhiều. Cúi mong Phật, Thánh từ bi đại xá cho con (và gia đình) được tai qua nạn khỏi, mọi sự tốt lành, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Tín chủ chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét