DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE

Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Tảo mộ ngày xuân - Những điều nên và không nên làm


Tảo mộ là dịp con cháu đến chăm sóc mộ phần, một nét đẹp văn hoá thường được người dân Việt chú ý coi trọng, gìn giữ từ bao đời nay, nó đã đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt. Nhân câu chuyện đầu xuân bên ấm trà, chúng tôi có dịp cùng TS Vũ Thế Khanh tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa cũng như những việc nên làm, cần làm trong nghĩa cử này.

PV: Tảo mộ trước ngày xuân là nét đẹp văn hoá được người dân ở nhiều vùng quê gìn giữ. Xin ông cho biết tảo mộ là gì và ý nghĩa của việc tảo mộ?
TS VTK: - Tảo: là quét dọn, lo toan, săn sóc… Tảo mộ là dọn dẹp sạch sẽ ngôi mộ của người thân. Phong tục người Việt hằng năm tảo mộ tổ tiên ông bà vào dịp cuối tháng chạp âm lịch để bày tỏ lòng hiếu thảo, nhớ thương của con cháu đối với người thân đã mất.
Lễ tảo mộ trước tết âm lịch bắt đầu từ ngày cúng ông Công, Táo đến chiều 30 tết. 
Đối với người Việt chúng ta thì một năm thường có 3 lần đi Tảo mộ: đó là vào dịp tiết Thanh Minh, vào ngày giỗ và dịp gần tết âm lịch.
Tuy nhiên, tùy sức khỏe và điều kiện công tác có thể thăm và tảo mộ bất cứ khi nào nếu có cơ hội thuận tiện.
Nghi thức Tảo mộ trong dịp Tiết Thanh Minh là du nhập từ Trung Quốc và gắn liền với sự tích của TẾT HÀN THỰC .
Nội dung câu chuyện như sau:
Đời Xuân Thu, vua nước Tấn là Tấn Văn Công gặp nạn phải lưu vong khắp nới từ Sở sang Tề…Có một mưu sỹ trung thành là Giới Tử Thôi theo hầu trong suốt những năm tháng  hàn vi ấy. Có lần trên đường lánh nạn, đói khá , không còn gì để ăn, Giới Tử Thôi đã lén cắt một miếng thịt của mình để nấu cho vua ăn.
Khi vua ăn xong thì mới biết sự tình, bèn vô cùng cảm kích.
tao mo ngay xuan nhung dieu nen va khong nen lam
Sau hai chục năm phiêu bạt, nếm mật nằm gai, cuối cùng Tấn Văn Công cũng dành lại đất nước, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại chẳng hề nhớ đến công lao của Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng thấu hiểu lẽ đời  thế thái nhân tình, ông chẳng hề oán trách, nên cõng mẹ vào núi rừng để ở ẩn.  Về sau, Tấn Văn Công mới nhớ ra công trạng của Giới Tử Thôi bèn cho người vào rừng tìm kiếm, mời về để ban thưởng, nhưng Giới tử Thôi nhất quyết không chịu về triều để lĩnh thưởng.
Tấn Văn Công nghĩ rằng đốt lửa thì chắc chắn Giới tử Thôi sẽ phải chạy ra khỏi rừng. Nhưng cho dù bị chết cháy chứ Giới Tử Thôi  nhất quyết không chịu trở về triều.
Sau khi đốt rừng mà vẫn không thấy Giới Tử Thôi chạy ra, vua bèn cho quân vào rừng tìm kiếm thì thấy cả hai mẹ con Giới Tử Thôi đều bị chết cháy bên cạnh một gốc cây to. Vua vô cùng thương xót và hối hận, ra lệnh cho binh lính mang cái gốc cây to ấy về đẽo thành đôi guốc để hàng ngày cứ mỗi lần đi guốc là vua lại gọi “Túc Hạ, Túc Hạ” để  tưởng nhớ, nhắc nhở mình rằng Giới Tử Thôi đang ở dưới chân mình (Túc Hạ - tức là dưới chân).
Điển tích  “Túc Hạ”  xuất phát từ đó, để chỉ những thuộc hạ thân tình, trung thành. Đồng thời, Tấn Văn Công còn cho lập miếu thờ và ra lệnh toàn thiên hạ phải kiêng lửa 3 ngày, chỉ được ăn đồ nguội đã nấu sẵn để làm nghi thức trong quốc tang, hàng năm lấy ngày đó (3/3)  trở thành Tết Hàn Thực (tết thức ăn nguội) để tưởng nhớ công thần Giới Tử Thôi.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã nhắc đến thời gian của tiết Thanh Minh:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục, đã ngoài sáu mươi…
…Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là Tảo Mộ, hội là Đạp Thanh
(Tức là trong  90 ngày của mùa xuân , thì đến khoảng ngày thứ  60  sẽ là tiết Thanh Minh)
Sự tích “Tết Hàn Thực” sang nước ta không phải là để tôn thờ công thần Giới tử Thôi bên Tàu, mà nó được biến tấu sang nội dung phong phú hơn, đó là ngày Tết Tảo Mộ, là ngày truyền thống để tưởng nhớ người có công sinh thành dưỡng dục.
Người Việt không kiêng lửa như ở bên Tàu, mà có “sáng kiến” là dùng bánh trôi, bánh chay tượng trưng cho sự tích “hàn thực”, do vậy với người Việt Tết 3/3 còn có cái tên gọi khác là Tết Bánh Trôi, bánh Chay.
Việc tảo mộ trong dịp Tiết Thanh Minh không nhất thiết là vào 3/3 mà có thể là bất cứ ngày nào trong 15 ngày của Tiết Thanh Minh (bắt đầu của Tiết Thanh minh là  khoảng sau 60 ngày kể từ ngày lập xuân, ngày này tiết trời trở nên trong sáng nên mới gọi là Thanh Minh ).
PV: Tảo mộ được bắt đầu từ ngày nào của tháng Chạp thưa ông? Và đâu là thời điểm tốt nhất trong ngày dành cho việc tảo mộ?
TS VTK: Với người Việt thì một năm thường có 3 kỳ Tảo Mộ:
  • Kỳ tảo mộ trong Tiết Thanh Minh (bắt đầu của Tiết Thanh Minh vào ngày thứ 60 kể từ sau khi lập xuân);
  • Trước ngày giỗ 1 ngày  hoặc vào đúng ngày giỗ;
  • Vào tháng chạp (thường thường từ ngày 20 tháng cháp đến 30 tháng chạp) để chuẩn bị rước ông bà về ăn Tết vào buổi trưa 30 Tết.
Còn Tảo Mộ vào giờ nào trong ngày cũng tùy vào điều kiện, khi nào thời tiết thuận lợi và sức khỏe của bạn cho phép. Thời điểm tốt nhất trong ngày là chọn lúc tạnh ráo, ấm áp, không nên đi quá sớm, sương đêm chưa tan, hoặc chiều tối trời về đêm âm khí nặng nề không có lợi cho sức khỏe.
Khi thời tiết mưa gió, sấm chớp thì không nên tảo mộ, cũng như xây nhà vậy, gặp phải thời tiết như vậy thì cũng phải tạm ngừng thi công.
PV: Xin ông chỉ dẫn về những công việc chính khi đi tảo mộ?
TS VTK: Nhân dân ta vẫn có câu “sống mỗi người mỗi nhà, chết mỗi người mỗi mồ”. Người Việt Nam vẫn coi  “phần mộ” như là nhà của người đã chết.
Nếu cuối năm người ta cần sửa sang quét tước nhà cửa cho khang trang sạch đẹp để đón tết thì đối với phần mộ - tức là  “nhà” của người thân đã qua đời - cũng được sửa sang như vậy.
Tảo mộ là sửa sang, dọn dẹp cho phong quang thoáng đãng. Người ta  mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ.
Chú ý đừng trồng những cây có rễ sâu trên phần mộ, rễ có thể sẽ ăn sâu và chọc vào phần hài cốt làm ảnh hưởng xấu đến vấn đề tâm linh.
Các cụ già thì lo việc cúng khấn tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần vị trí những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng  hiếu đễ tổ tiên qua  phong tục Tảo Mộ.
Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường cố gắng trở về cố hương  vào dịp này  để tảo mộ gia tiên và sum họp với gia đình.
Khi dọn dẹp xong xuôi, thì mới thắp hương, và đặt hoa lên phần mộ.
Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, chăm sóc cẩn thận, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người đi viếng mộ thường cũng cắm cho các ngôi mộ này một nén hương. 
tao mo ngay xuan nhung dieu nen va khong nen lam
TS Vũ Thế Khanh.
PV: Khi tảo mộ cần chuẩn bị những lễ gì thưa ông?
TS VTK: Theo phong tục một số dịa phương khi tảo mộ xong, có chuẩn bị đồ cúng lễ tại mộ gồm: một bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, nhang đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo mã và các loại bánh trái hoa quả, thức uống, trầu cau… tùy  theo sở nguyện của từng gia đình.
Có những phong tục  thực hành lễ cúng “hàn long mạch”, phải dùng nước ngũ vị, hàn the… tưới xung quanh ngôi mộ và thực hành lễ tạ mộ, nghi thức cũng giống như an táng người mới mất.
Tuy nhiên, theo những nghiên cứu gần đây trong việc giải mã những thông điệp từ thế  giới tâm linh, không nên dùng vàng mã và càng phải tránh việc dâng cúng những đồ sát sinh trong lễ cúng tâm linh.
Các loại hoa quả bánh trái nếu đã trót đem cúng ngoài mộ thì khi cúng xong chỉ rắc cho chim cá ăn, chứ không nên đem về nhà dùng, bởi khi cúng ở mộ, cúng ở nghĩa trang thì các thức ăn ấy thường bị nhiễm vi khuẩn (vốn có rất nhiều tại nghĩa trang), nếu ăn phải các đồ cúng này thì dễ bị ngộ độc hoặc ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa, ấy là chưa kể đến vấn đề tần số Tâm linh.
PV: Xin ông giới thiệu về bài văn khấn hay lời khấn khi đi tảo mộ?
TS VTK: Nói về văn khấn thì có nhiều loại, và dành  cho nhiều đối tượng khác nhau, do vậy phải có riêng một chuyên đề về các bài khấn. Nhưng nếu chỉ có “lời khấn” thôi, mà không hiểu kỹ về “tâm khấn “ thì lời khấn không mấy linh nghiệm(sẽ có sự chia sẻ sâu hơn về chủ đề này, bởi thời lượng không cho phép).
PV: Xin ông giới thiệu cụ thể cách thắp hương ở các ngôi mộ (thắp hương từ mộ nào trước) ? 
TS VTK: Thắp hương ở các ngôi mộ trong khu vực của gia tiên thì thường thường người ta thắp hương theo thứ bậc  từ các đời trước trở đi, nếu trong khu mộ bố trí theo trình tự này. Tuy nhiên, nếu trong khu mộ bố trí không theo đúng trật tự thứ bậc trong dòng họ thì tùy duyên, thuận tiện theo lối đi mà thắp, không nhất thiết phải máy móc.
Cũng như khi ta vào cơ quan, thường thì người ta nghĩ phải chào giám đốc trước, rồi thứ tự mới chào đến các phó giám đốc, rồi đến trưởng phó phòng…
Nhưng nếu đến cơ quan lại gặp bảo vệ trước, chả lẽ lúc về mới chào bảo vệ? Hoặc khi gặp ông trưởng phòng trước, ta lại không chào mà phải tìm ông giám đốc để chào trước rồi mới xuống chào trưởng phòng sau… Nếu hiểu tâm linh như vậy thì chẳng những sa đà vào máy móc hình thức mà còn rơi vào mê tín.
Tuy nhiên, trong hội nghị người ta thường kính thưa các vị  có vai trò và địa vị từ cao xuống thấp, trong văn khấn cũng vậy, phải kính thưa các cụ thượng tổ trước, rồi lần lượt xuống các hàng hậu duệ tiếp theo… Việc trong dòng họ thì khấn theo thứ bậc chứ không theo chức sắc ngoài xã hội.
Ví như trong xã hội, người con là thủ trưởng, người bố chỉ là dân thường, nhưng trong dòng họ thì vẫn phải khấn, kính bạch người bố trước, rồi mới đến người con.
PV: Đâu là điều nên và không nên trong việc tảo mộ thưa ông?
TS VTK: Tảo Mộ là vì lòng hiếu nghĩa với người đã khuất, đồng thời là để thực hành những nghi lễ tâm linh theo phong tục tập quán của từng địa phương, từng dòng tộc.  Những nghi thức  nào là truyền thống tốt đẹp, thiêng liêng thì cố gắng giữ gìn, những nghi thức nào rườm rà, nặng về hình thức hoặc sa đà vào mê tín dị đoan thì cũng mạnh dạn cắt bỏ.
Tảo mộ là thể hiện lòng hiếu và là một trong các nghi thức để giáo dục cho đời sau về lòng hiếu thảo , tri ân  các bậc tiền nhân chứ không phải là để trưng diện khoe mẽ với trần thế.  Do vậy thực hành nghĩa cử  với người đã khuất cũng chính là gieo nhân quả cho chính tín chủ trong tương lai.
Nhiều người, khi cha mẹ tại thế thì không lo phụng dưỡng, nhưng đến khi cha mẹ qua đời mới lại làm cúng lễ giết mổ linh đình để đãi miệng thế gian. Hoặc xây mộ gia tiên tốn kém nhiều tiền của để trưng diện với đời.
Đó không phải là báo hiếu mà là hợm hĩnh, khiến cho những người đi qua họ chê bai dè bỉu, và chắc chắn rằng nếu các vị gia tiên đang ở  đó chắc cũng chẳng thấy vinh hạnh gì khi nghe được những lời đàm tiếu dè bỉu của miệng lưỡi thế gian.
Chỉ nên xây mộ giản dị, sạch sẽ  và quy mô tương ứng theo đúng quy luật nhân quả của người đó lúc sinh thời và cũng là thể hiện được sự quý kính của hiếu chủ đối với người thân đã mất.
Tránh việc xây những ngôi mộ có kình khí, có góc cạnh khuyềnh  khoàng chọc vào những ngô mộ xung quanh, hoặc có ý che chắn, chèn ép các ngôi mộ khác.
Ở nước ngoài, có những nơi họ bài trí một khẩu hiệu rất lớn tại cổng nghĩa trang: “HÔM NAY LÀ TÔI, NGÀY MAI ĐẾN LƯỢT CÁC ANH”. Do vậy thực hành nghĩa cử  hiếu nghĩa với người đã khuất cũng chính là thực hành quy luật Nhân Quả cho chính tín chủ trong tương lai.
PV: Ông có lưu ý gì về lễ tảo mộ trước ngày xuân?
TS VTK: Tảo mộ là nét văn hóa dẹp của người Á Đông, tuy nhiên hình thức thì mỗi nơi mỗi khác. Điều quan trọng trong việc tảo mộ là lòng quý kính, nhớ thương đến người đã khuất và nguyện làm những điều lành để hồi hướng công đức cho họ chứ không nhất thiết phải xây mộ to, hoặc bài trí với lễ nghi tốn kém, nặng về hình thức và khấn vái theo lối mê tín dị đoan.
Khi đi tảo mộ, phải chú ý tình trạng sức khỏe, và đặc biệt không được ngồi thiền hoặc luyện tập dưỡng sinh ở những nơi có phần  mộ hoặc ở nghĩa trang.
Nếu sức khỏe không tốt  hoặc phụ nữ có thai, mà ra nghĩa trang thì rất dễ bị nhiễm âm khí, khi về nhà dễ bị nhiễm phong hàn hoặc một số bệnh thời khí, đó là do tại nghĩa trang có các uế khí, thán khí phân hủy, dễ xâm nhập vào cơ thể.
Nhiều người sức khỏe yếu , đi tảo mộ về bị nhiễm bệnh, lại đổ thừa cho ma tà quỷ quái này nọ và là môi trường béo bở, làm mồi cho các chiêu trò nhảm nhí  đồng bóng mê tín dị đoan.
Tốt nhất là khi đi tảo mộ về, nên hơ lửa hoặc tắm nước gừng để thanh lọc các trược khi và âm khí bám vào người và quần áo,…
PV: Xin cảm ơn ông! 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét